Vào mỗi dịp Tết đến, đặc biệt là những vùng miền quê, nhiều gia đình thường dựng cây nêu ngày Tết để đón chào một năm mới an lành, may mắn và hạnh phúc. Tuy nhiên, ít ai biết về nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục này. Sau đây, Quà Tặng Lễ Tết tổng hợp những thông tin về phong tục dựng nêu ngày Tết qua bài viết chi tiết dưới đây!
Sự tích cây nêu ngày Tết
>>>Tham khảo thêm:
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết bắt nguồn từ sự tích từ thời xa xưa khi con người cùng nhau chống lại lũ quỷ và giành lại đất đai để khai phá làm ăn. Chuyện kể rằng, từ xưa đất đai đều là do quỷ chiếm đóng, cho con người trồng trọt và cuối mùa vụ phải cống nạp cho chúng. Vào mùa thu hoạch lúa, bọn quỷ muốn lấy ngọn, phần gốc để lại cho con người.
Lúc này, Phật thấy con người đáng thương bèn chỉ cách cho con người trồng khoai. Cuối mùa vụ con người lấy phần gốc, quỷ lấy phần ngọn chỉ toàn lá cây khiến chúng vô cùng tức giận. Ở mùa vụ kế tiếp, bọn quỷ đòi lấy gốc và con người lấy ngọn. Phật chỉ con người chuyển sang trồng lúa. Sau mùa vụ, lũ quỷ không nhận được gì nên vô cùng tức giận, chúng đòi cả gốc lẫn ngọn và mùa vụ sau.
Phật lại chỉ con người cách trồng ngô và lần này bọn quỷ cũng không thu hoạch được gì. Chúng tức giận nên đã thu lại hết đất đai. Phật lại chỉ cách cho con người đến xin bọn quỷ một mảnh đất chỉ to bằng bóng của chiếc áo cà sa. Quỷ thấy cũng không mất mát gì nên đã đồng ý. Sau khi áo đã được treo lên cây, Phật đã hoá phép để chiếc áo lớn hơn để che phủ khắp mặt đất.
Vì đã thoả thuận theo giao ước nên bọn quỷ mất hết đất đai nên chúng phải dời nhà ra biển. Tuy nhiên, mỗi năm quỷ lại xin Phật vài ngày để về lại đất liền thăm tổ tiên và Phật đã đồng ý. Vì vậy hằng năm, con người sẽ có phong tục dựng cây nêu ngày Tết để xua đuổi ma quỷ, không cho chúng vào nhà để hại mình.
Ý nghĩa cây nêu ngày Tết
Cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa trừ tà, xua đuổi ma quỷ, thờ phụng thần linh và các vong linh của tổ tiên, loại bỏ những điều kém may mắn của năm cũ. Theo thời gian, với sự phong phú của các đồ lễ treo trên cây, cây nêu còn mang ý nghĩa kết nối giữa vũ trụ và đất trời. Tại các lễ hội, cây nêu chính là trung tâm kết nối tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, các hoạt động khác sẽ dừng lại và tạo nên sự cân bằng tuyệt đối của sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới.
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết của người xưa chính là nghi thức thiêng liêng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trong các ngày lễ truyền thống của dân tộc, cây nêu có ý nghĩa vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là nơi gửi gắm những mong cầu về một năm may mắn, thịnh vượng của người dân. Nếu như tục dựng gậy ông vải (2 cây mía đỏ ở hai bên bàn thờ) là “đường đi lối lại” của tổ tiên vào ngày Tết, cây nêu sẽ được ví như “nấc thang” kết nối giữa con người và thần linh.
Cây nêu ngày Tết được dựng và hạ khi nào?
Thông thường, các gia đình sẽ dựng cây nêu ngày Tết vào 23 tháng chạp và hạ vào mùng 7 tháng giêng Âm lịch. Sở dĩ ngày 23 tháng chạp là thời điểm thích hợp để dựng nêu là vì lúc này ông táo đã cưỡi cá chép về thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Ma quỷ sẽ tận dụng cơ hội để quấy phá nên dựng nêu vào thời gian này sẽ tránh việc ma quỷ vào nhà làm hại mình.
Thời gian hạ nêu sẽ rơi vào mùng 7 tháng giêng Âm lịch. Một lưu ý là trước khi hạ nêu, tránh việc động thổ để đất được hội tụ sinh khí, phì nhiêu. Ngoài ra, bạn cũng cần thực hiện một số nghi thức để bắt đầu hạ cây nêu.
Cách dựng và trang trí cây nêu ngày Tết
Để làm cây nêu ngày Tết, bạn có thể tìm hiểu cách dựng và trang trí như sau:
Nguyên liệu làm nêu:
- Cây nêu thường làm từ cây tre già, cao, to, thẳng, các lóng tre đều và trên ngọn tre sẽ còn nguyên chùm lá tươi.
- 3 dây giằng sẽ được làm từ dây thừng chắc chắn, có độ bền cao.
- Cọc tre có thể dùng cọc tre hoặc sắc để buộc dây giằng chân của cây nêu.
Cách làm và trang trí cây nêu:
Dựa theo phong tục, cây nêu ngày Tết được dựng với một số vật dụng như sau:
- Cờ: thường là cờ hội có kích thước lớn được treo dưới chùm lá tre.
- Lồng đèn: thường sử dụng loại bằng giấy có màu đỏ để treo lên đỉnh cây nêu để tạo màu sắc tươi đẹp.
- Lá phướn: thường được làm bằng giấy nhưng ngày nay đã thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên sẽ viết những câu chữ mang ý nghĩa chúc mừng năm mới, sẽ được treo cùng vị trí với cờ hội.
- Dụng cụ tạo âm thanh: người xưa thường sử dụng chuông đất, khánh sành nhưng ngày này có thể thay bằng chuông gió.
- Vật dụng mang ý nghĩa tín ngưỡng: một ngành lá đa, lá dứa hoặc xương rồng, một giỏ đan tre bên trong có các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau,…
- Các vật dụng trang trí xung quanh gốc nêu: bột vôi trắng để rắc dưới chân tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung quanh gốc, mũi tên sẽ hướng ra phía cổng; các câu đối ngày xuân cùng hình ảnh bánh trái ngày tết, các tấm liễn đối,…
LỜI KẾT
Qua bài viết trên, Quà Tặng Lễ Tết đã tổng hợp những thông tin về ý nghĩa cây nêu ngày Tết để bạn đọc có thêm cái nhìn tổng quan về phong tục đặc biệt này vào ngày Tết. Mong rằng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về văn hoá dân gian đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến.
>>Xem thêm: