Tết Hàn thực là một trong những ngày lễ dựa trên phong tục truyền thống của người dân Việt Nam được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Nhiều gia đình Việt sẽ chuẩn bị mâm cơm có bánh trôi, bánh chay vào ngày này để dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng thành. Tuy nhiên, nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Hàn thực không phải ai cũng biết, sau đây Quà Tặng Lễ Tết sẽ tổng hợp các thông tin chi tiết qua bài viết chi tiết dưới đây.
Tết Hàn thực là ngày gì?
Tết Hàn thực hay Tết bánh trôi, bánh chay là ngày lễ được diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch mỗi năm và ngày lễ này xuất hiện chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam. Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị bánh trôi nước, bánh chay để dâng cúng tổ tiên nhằm tưởng nhớ những người đã khuất, hướng về cội nguồn.
Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Hàn thực
Ở Việt Nam, đặc biệt là những vùng miền núi phía Bắc, người dân nơi đây xem Tết Hàn thực là một ngày lễ lớn, vậy nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Hàn thực là gì?
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Theo nghĩa Hán ngữ, “Hàn” tức là lạnh và “thực” là ăn, như vậy “Tết Hàn thực” chính là Tết ăn đồ lạnh. Đây là một trong những phong tục truyền thống từ rất lâu đời có nguồn gốc từ Trung Quốc với điển tích về vị hiền sĩ Giới Tử Thôi chết cháy.
Tương truyền rằng vào thời Xuân Thu chiến quốc (770 – 221), vua Tấn Văn Công gặp nạn loạn thần nên phải bỏ nước lưu vong trong nhiều năm liền. Trên đường lánh nạn, vua được vị hiền sĩ là Giới Tử Thôi hết lòng phò tá. Suốt 9 năm trời ròng rã, ông đã hết lòng hỗ trợ vua, cùng nhau nếm mật nằm gai và khổ luyện thành tài. Có một hôm lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu và dâng lên vua.
Sau khi mọi việc xảy ra, vua Tấn rất cảm kích nhưng khi giành lại ngôi báu, lúc ban thưởng cho những người có công, vua lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi. Tuy nhiên, Giới Tử Thôi lại không hề oán giận và đã cùng mẹ già lên núi ở ẩn. Mãi thời gian sau, vua mới nhớ đến và cho người tìm ông nhưng ông lại không chịu quay về lãnh thưởng. Vua bèn hạ lệnh đốt rừng để ép ông ra nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng vào đúng ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch.
Cái chết của Giới Tử Thôi đã khiến vua vô cùng ân hận và đau lòng. Vì vậy, ông đã cho lập miếu thờ và hạ lệnh kiêng đốt lửa 3 ngày và chỉ dùng những thức ăn nguội đã nấu sẵn. Vì vậy, cứ đến mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm, người dân sẽ bị cấm dùng lửa để nấu và việc làm cỗ cúng phải là từ hôm trước.
Ý nghĩa Tết Hàn thực
Mặc dù Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc như ở Việt Nam lại không phải là ngày tưởng nhớ Giới Tử Thôi mà là ngày mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Lễ Hàn thực ở Việt Nam sẽ mang màu sắc dân tộc riêng và được gìn giữ trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Vào ngày 3/3 Âm lịch mỗi năm, các gia đình sẽ làm bánh trôi, bánh chay dâng cúng tổ tiên và kiêng không đốt lửa. Tại nhiều nơi cũng sẽ có người làm bánh trôi, bánh chay để cúng thần hoàng. Những món ăn được chuẩn bị trong dịp này sẽ mang ý nghĩa con cháu luôn hướng về tổ tiên và cội nguồn.
Ở Việt Nam, Tết Hàn thực còn được gọi là Tết bánh trôi, bánh chay để tạo nên nét đặc trưng văn hoá của người Việt. Vào ngày này, người Việt sẽ thể hiện tấm lòng hướng về cội nguồn, tổ tiên và biết ơn công lao của những người đã khuất. Đồng thời, ngày này không thể thiếu bánh trôi, bánh chay và phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay trên bàn thờ.
Ý nghĩa tục ăn bánh trôi và bánh chay trong Tết Hàn thực
Tại Việt Nam, người dân sẽ có tục ăn bánh trôi và bánh chay vào ngày Tết Hàn thực và điều này mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cụ thể như sau:
Thể hiện lòng thành với tổ tiên
Từ xưa, bánh trôi và bánh chay được sử dụng để thờ cúng tổ tiên nhằm thể hiện lòng thành kính với bề trên. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau làm những viên bánh trôi trắng tinh khiết với hình dáng tròn đều. Sau khi dâng cúng tổ tiên, các thành viên sẽ cùng nhau thưởng thức món ăn với hương vị ngọt ngào, tận hưởng không khí viên mãn của gia đình.
Mong muốn thời tiết thuận lợi hài hoà
Bên cạnh việc tưởng nhớ tổ tiên, Tết Hàn thực còn là ngày mà người dân mong muốn cho mùa hạ bớt nóng. Ngày 3/3 Âm lịch hằng năm được chọn sẽ không liên quan đến dương lịch hoặc bất kỳ một quy ước nào. Theo luật âm dương ngũ hành, chọn ngày 3/3 Âm lịch sẽ là ngày đánh dấu sự kết thúc của Mộc khí.
Theo ngũ hành, món lạnh sẽ thuộc Kim và món bánh trôi chay màu trắng cũng thuộc Kim. Bên cạnh đó, hình dáng của bánh trôi sẽ có hình tròn, nhân bên trong là hình vuông như gợi lên câu tục ngữ “mẹ tròn con vuông”.
Bánh chay có lớp vỏ màu trắng mang tính dương, phần nhân đậu xanh màu vàng sáng mang tính âm tượng trưng cho âm dương giao hoà. Thưởng thức món bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn thực còn thể hiện sự mong muốn mùa hè sẽ không còn oi bức, thời tiết thuận hoà.
Tết Hàn thực cúng gì? Mâm cúng Tết Hàn thực
Để chuẩn bị mâm cúng để dâng lên tổ tiên đầy đủ trong ngày Tết Hàn thực, bạn cần chuẩn bị các lễ vật như sau:
- Bánh trôi, bánh chay: Khi chuẩn bị bánh trôi, bánh chay, bạn nên đảm bảo số lượng là 3 và 5 là được.
- Hoa tươi và trầu cau: Khi chuẩn bị hoa cúng Tết Hàn thực, bạn nên chuẩn bị một số loài hoa mang ý nghĩa may mắn như hoa huệ trắng, hoa đồng tiền,… Thông thường, nhiều gia đình sẽ chọn hoa cúc với ý nghĩa mong cầu tài lộc và may mắn. Về trầu cau, bạn cũng nên chọn loại tươi mới với số lẻ là 3 hoặc 5 đĩa.
- Mâm ngũ quả: Bạn có thể chọn trái cây dựa theo sở thích của gia đình nhưng cần phải đảm bảo số lượng là 5 quả. Ngoài ra, để mong cầu những điều tốt đẹp, các gia đình có thể chọn 5 loại quả có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành như quả màu vàng là biểu tượng của hành Kim, màu đỏ tượng trưng cho hành Hoả,…
- Nước sạch: Là biểu tượng của sự tinh khiết với ngụ ý thể hiện lòng thành với các bậc tổ tiên.
Ngoài ra, các gia đình có thể chuẩn bị các vật phẩm khác như nhang, đèn, gà luộc, xôi, chè, rượu,…
Bài cúng Tết Hàn thực
Khi chuẩn bị đầy đủ mâm cúng Tết Hàn thực đầy đủ, các gia đình cần chuẩn bị bài cúng thật đầy đủ để bày tỏ lòng thành với tổ tiên. Bạn có thể tham khảo bài cúng lễ Hàn thực được trích theo sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” của NXB Văn hoá thông tin cụ thể như sau:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, huynh đệ, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là… Ngụ tại…
Hôm nay là ngày 3/3 (âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhờ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
LỜI KẾT
Trên đây là tổng hợp những thông tin về ngày Tết Hàn thực mà Quà Tặng Lễ Tết đã cung cấp qua bài viết trên. Mong rằng với những chia sẻ chi tiết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngày lễ ý nghĩa cũng như giúp bạn chuẩn bị tốt hơn vào ngày này, chúc bạn và gia đình có một ngày Tết Hàn thực vui vẻ, sum vầy bên gia đình
Bài viết cùng chủ đề
- Tết Nguyên tiêu là Tết gì? Những hoạt động trong ngày lễ
- Tết Thanh Minh là ngày gì? Tết Thanh Minh vào ngày nào?
- Tết chuồng trâu là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết ông Chuồng
- Tết Trung Nguyên là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của tục lễ